Chào mừng bạn đến với CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HỘ LAO ĐỘNG VIỆT

Nước Nhật xử sự như thế nào khi thảm họa đến? (ST)

Người đăng: Đào Mạnh Linh | 18/07/2016

Thái độ của thông điệp

Trong khủng hoảng, người dân sẽ hoang mang nếu thiếu thông tin minh bạch.

Chiều ngày 11/3/2011, nước Nhật rung chuyển bởi thảm họa kép động đất và sóng thần. Từ Việt Nam, một người bạn gọi cho tôi ngỏ ý muốn tôi viết bài. 

Anh nhấn mạnh rất nhiều lần về việc muốn tôi tập trung khai thác khủng hoảng nghiêm trọng do phóng xạ gây ra. “Em thử xem xem người dân người ta có hoang mang không? Có sợ không? Tình trạng người dân có hỗn loạn? Hàng hóa của siêu thị có cạn kiệt?” anh ấy gợi ý. “Em nghĩ là báo chí phương Tây và Việt Nam có lẽ tiệp cận ở góc nhìn khác. Ở trong lòng nước Nhật, em thấy cuộc sống của người dân quanh em không hoảng loạn. Người ta đi làm, đi học trong trật tự, chỉ có không khí trầm lắng, xăng và nước khan hiếm hơn thôi” - tôi trả lời. Tôi cũng muốn có bài viết hấp dẫn. Nhưng trong bữa trưa của công ty tôi, thậm chí không ai phải bàn tán về chuyện này.

Tôi sống ở một thành phố nhỏ của tỉnh Ibaraki, rất gần với Tokyo, nhưng vì Ibaraki có một phần trải dài về phía đông bắc giáp với Fukushima, khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ nên dân Ibaraki cũng lo lắng. Nhưng chúng tôi không thiếu thông tin, toàn bộ các thành phố của tỉnh đều có trang web riêng, và trên đó là thông tin cập nhật từng ngày từng giờ nồng độ phóng xạ, ngưỡng an toàn/ nguy hiểm.

Chỉ sau ít phút khi thảm họa xảy ra, ngay lập tức toàn bộ các kênh truyền hình quốc gia đã thay đổi hết lịch phát sóng để gần như 24/24 truyền hình trực tiếp về thảm họa: tường thuật tình hình, thống kê thiệt hại và thương vong. Lúc bấy giờ, chính phủ Nhật đã thành lập ngay một bộ xử lý khủng hoảng đưa ra các ứng phó với thảm họa. Cứ hai tiếng họ lại họp báo trên truyền hình để thông tin sâu sát và kêu gọi người dân theo dõi để bình tĩnh hành động. Cũng chỉ sau chưa tới 30 phút của một trận dư chấn, Thủ tướng Naoto Kan cùng những người đứng đầu của cơ quan điện hạt nhân đã tổ chức họp báo trực tiếp với sự tham gia của hầu hết các cơ quan truyền thông để đưa ra những thông tin quan trọng về tình hình hạt nhân và hành động của chính phủ. 

Cách hàng nghìn cây số, dù ở rất xa vùng tâm chấn lẫn nhà máy điện hạt nhân Fukushima và hầu như ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép, một người bạn của tôi sống ở Shikoku cũng kể, trường đại học Ehime của thành phố cũng ngay lập tức có tổ chức nói chuyện với sinh viên và dân chúng về những khả năng có thể xảy ra đối với nhà máy điện Fukushima. Thông tin được in ra thành các tờ rơi được phát tận tay từng người. Không ai bị thiếu thông tin, không ai có thể nghi ngờ hay đặt câu hỏi vì những câu hỏi đã được trả lời cặn kẽ và sâu sát nhất có thể. Bởi thế, trong thảm họa, cuộc sống ở nước Nhật vẫn diễn ra trong trật tự. Sự kiên nhẫn, bình tĩnh của người dân khi thảm họa nghiêm trọng chất chồng bắt nguồn rất lớn ở sự minh bạch trong thông tin và khẩn cấp trong hành động từ phía chính quyền, từ đó hành động đúng mực để thảm họa không xảy ra tồi tệ hơn.

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh nguồn lực của nước Nhật với Việt Nam. Nhưng trước những luồng thông tin gây hoang mang từ mạng xã hội trong nhiều sự kiện trong nước, từ dịch bệnh đến môi trường, tôi tự hỏi rằng liệu chúng ta có thể có một kịch bản khác? Một kịch bản được tạo ra bởi một thái độ, chứ không phải nguồn lực. Một thái độ như những lãnh đạo Đà Nẵng xuống tắm biển và ăn cá để khẳng định “nước biển sạch”. Và liên tục trong những ngày gần đây, không chỉ lãnh đạo Đà Nẵng, nhiều quan chức đầu ngành và cả tỉnh khác đã xuất hiện ngay tại điểm nhiều người đang hoang mang để truyền đi một thông điệp an toàn bằng chính hành động cụ thể.

Tôi tin rằng, đó là một hành động đúng dù giá như nó có thể đến sớm hơn.

icon icon
icon
mail