Chào mừng bạn đến với CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HỘ LAO ĐỘNG VIỆT

Luật pháp vô tình (ST)

Người đăng: Đào Mạnh Linh | 18/07/2016

Luật pháp vô tình

Anh Vũ Xuân Hải, Đội trưởng đội kiểm lâm cơ động số 2 Lâm Đồng bị giết chết lúc 1h30 phút sáng 28/12/2014 khi đang chặn một xe gỗ lậu trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Trước đó anh từng nhiều lần bị nhắn tin dọa giết, bị ép ngã xe.

Hôm ấy anh và đồng đội truy đuổi và chặn dừng một chiếc xe chở gỗ lậu. Khi truy tìm và phát hiện được chiếc xe trốn trong một con đường nhỏ, anh Hải yêu cầu hạ gỗ xuống, lái xe đã không chấp hành mà cố ý lái xe tông thẳng vào anh. Thủ phạm bị bắt và bị xử 16 năm tù về tội giết người. Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị phong tặng liệt sĩ cho anh Hải không được chấp nhận.

Theo Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội thì lý do là Nghị định quy định ngoại trừ những quân nhân chuyên nghiệp thì chỉ xét công nhận liệt sĩ với người hy sinh khi phòng chống các tội phạm đã được quy định trong bộ luật hình sự. Số gỗ trên xe là 2,66 mét khối thuộc nhóm 6, hành vi vận chuyển số gỗ ấy chỉ bị xử phạt hành chính. Vì vậy cái chết của anh Hải không phải do phòng chống tội phạm, mà chỉ là do ngăn chặn và xử lý một vi phạm hành chính.

Gia đình anh Hải đau buồn: sự hy sinh của anh lẽ nào không được nhìn nhận? Đồng đội của anh sững sờ: Sao mà vô lý thế? Vậy thì anh Hải chết vì cái gì? Tai nạn giao thông ư? Không phải. Tai nạn lao động cũng không. Kẻ kia bị xử tội giết người, anh Hải bị giết khi đang thi hành công vụ, vì lý do công vụ.

Trong đêm tối thì làm sao biết gỗ nhóm mấy, chỉ biết là thực hiện nhiệm vụ thôi. Anh bị giết khi đang thi hành công vụ, vì thi hành công vụ. Lẽ nào người đã đánh đổi tính mạng của mình để giữ tài nguyên và môi trường sống cho cộng đồng lại khó để được những người sống ghi nhận đến thế. Một năm sau ngày anh mất, các đồng nghiệp của tôi đã tiếp cận với những hồ sơ này. Khi bàn bạc đề tài, chúng tôi đã có rất nhiều băn khoăn. Trước mặt tôi, thư ký tòa soạn phụ trách tuyến bài có lần đấm tay xuống bàn khi có ý kiến cho rằng Cục Người có công vận dụng đúng luật. Hơn chục phóng viên và biên tập viên đã vào cuộc với quan niệm rằng: "Ai hy sinh tính mạng vì lợi ích cộng đồng thì người đó là liệt sĩ".

Đã hơn một lần, trong nghề nghiệp, tôi phải chứng kiến sự cứng nhắc của luật pháp. Những câu chuyện khiến xã hội phải ngẫm ngợi. Ví dụ như gần đây, là việc tịch thu bình trà đá từ thiện đặt trên vỉa hè của công an phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đã gây tranh cãi gay gắt. Tái giá thì có được phong mẹ Việt Nam anh hùng không? Ở khắp các diễn đàn, từ vấn đề hình sự đến kinh doanh, sự cứng nhắc của luật pháp bị phàn nàn.

Và đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề phong tặng liệt sĩ cho những lực lượng như kiểm lâm, thì đã hơn một lần dư luận bức xúc khi một người bị hại chết trong lúc làm việc mà bị khẳng định rằng “không phải đang làm nhiệm vụ” vì thiếu một vài quy định.

Luật pháp có tình không? Trong câu chuyện của anh Hải, khi phóng viên chúng tôi bàn bạc, chúng tôi tâm niệm một điều: Lớn hơn mọi điều luật là đạo lý, luật nào cũng để điều chỉnh và phục vụ lợi ích xã hội.

Nhiều bài báo đấu tranh cho anh Hải đã được đăng tải trong nhiều tháng trời, nhiều lãnh đạo Cục kiểm lâm và các Ủy ban của Quốc hội đã lên tiếng với cùng quan điểm ấy. Cuối tháng 3/2016, hồ sơ phong tặng liệt sĩ đối với anh Vũ Xuân Hải được xem xét thông qua. Và cuối cùng, ngày 27/5, Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh lâm Đồng, chính quyền và và đồng đội của anh Hải đã tổ chức lễ phong tặng liệt sĩ cho anh tại UBND thị trấn Đạ Tẻh. Người mẹ già của anh từ Quảng Ninh đã vào Lâm Đồng để dự buổi lễ này. Đó là niềm an ủi cuối đời của cụ.

Chúng tôi lên thắp hương cho anh, gia đình rất xúc động. Ninh, con trai lớn của liệt sĩ Vũ Xuân Hải bùi ngùi nói khi dẫn chúng tôi ra thăm mộ: “Mẹ em đã khóc, bà em đã khóc khi biết rằng trên bia mộ của bố sẽ có thêm dòng chữ Tổ quốc ghi công".

icon icon
icon
mail