Chị Vân Anh, một người khuyết tật có nhiều hoạt động xã hội năng nổ, từng là nhân vật chính trong một sự việc ồn ào liên quan đến chất lượng phục vụ của một hãng hàng không.
Cảm thấy không được tôn trọng quyền lợi, chị tỏ thái độ cương quyết tại sân bay, và sau đó là trên mạng xã hội. Nhưng chị tổn thương bởi một ý kiến bình luận trên Facebook rằng: Cô này ngồi xe lăn mà nhuộm tóc đỏ thì cũng không vừa đâu.
Mới đây, một phụ nữ chia sẻ câu chuyện của gia đình mình, chị mỗi tháng kiếm nửa tỷ đồng, bận rộn lắm lại đểnh đoảng nhưng may được mẹ chồng mát tính. Chuyện của chị được quan tâm, được bàn tán bởi nó khác với những định kiến cho rằng, người phụ nữ dù có giỏi việc nước cũng không được phép chểnh mảng việc nhà.
Tôi cho rằng, ngồi xe lăn, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng và nhuộm tóc đỏ, ba chuyện ấy chẳng liên quan gì đến nhau. Tôi cũng thấy người phụ nữ hoàn toàn có quyền được mạnh mẽ, độc lập về tài chính và không cần quan tâm đến những "chuẩn mực" lỗi thời.
Nhưng định kiến vẫn tồn tại. Một khi người ta dùng định kiến, dùng những chuẩn mực cũ để xâu chuỗi và áp đặt lên người phụ nữ, chúng sẽ nặng nề đến mức dễ dàng xóa sạch những nỗ lực mà mỗi người phụ nữ làm được.
Có một thực tế chua xót của xã hội cũ: Những chuẩn mực cũ, đôi khi phương hại đến chính quyền lợi của người phụ nữ.
Vì thế, những cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng giới đã diễn ra trong nhiều năm và mang lại những kết quả nhiều hơn mong đợi. Ở Việt Nam, ban đầu là những cá nhân, và nay đã có hẳn những thế hệ phụ nữ "nổi loạn". Tức là chọn lối sống mạnh mẽ, cá tính, bỏ qua những khuôn phép mặc định về giới mà họ cho là phản tác dụng.
Bạn tôi, một bà mẹ đơn thân đầy quyết đoán, đã cho con gái nhỏ đi học võ, và nhiều lần thể hiện vũ lực với người khác trước mặt con để khuyến khích phản ứng tự vệ. Bạn dạy con rằng, cơ thể con là thứ quý giá và không ai có quyền đụng chạm đến khi chưa được phép. Điều đó đúng. Nhưng sự mạnh mẽ và cá tính thái quá khiến sự tự bảo vệ đôi khi có thể biến thành sự chủ động tấn công và cá tính có thể biến thành hung hãn.
Một ông bố "gà trống nuôi con" khác mà tôi biết, lại có quan điểm thả tự do cho con gái lớn lên thoải mái như cây cỏ. Anh khuyến khích mọi bản năng và tư duy độc lập của cháu. Kết quả là, cô gái bé nhỏ rất cá tính, rất độc lập, và rất ghét bố. Cháu cho rằng, bố không quan tâm đến mình và không có vai trò trong những quyết định quan trọng.
Tới đây, lại có một thực tế nghịch lý của xã hội hiện đại: Những sự cởi mở quá mức có thể phương hại đến sự mong manh, dịu dàng và dễ tổn thương của người phụ nữ.
Năm 1960, loại thuốc tránh thai đầu tiên của nhân loại - Enovid - ra đời. Kiểm soát được sinh nở, người phụ nữ thực sự được giải phóng ở một cấp độ mới. Nhưng có lẽ, cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ có được công cụ hiệu quả nhất 9 năm sau đó - năm 1969 - khi hai máy tính kết nối thành công để truyền tải được dữ liệu lần đầu tiên trên thế giới, tiền đề của mạng Internet. Có thông tin, người phụ nữ có được nhiều lựa chọn hơn, kể cả lựa chọn chính tính cách con người mình.
Hôm nay, trong hàng ngũ những người nhận hoa nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đã có cả những đại diện mới, những người đồng giới, chuyển giới. Đó là sự thay đổi lớn của nhận thức xã hội, điều mà mới chỉ một thập kỷ trước vẫn còn đầy định kiến ở Việt Nam.
Giữa hai thái cực đều rất dễ phương hại đến hạnh phúc của người phụ nữ, tôi tin là những giá trị truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng và được truyền thụ tiếp nối. Cô bạn mạnh mẽ của tôi, ngoài dạy võ, còn dạy con gái nấu rất nhiều món ăn, chơi nhạc cụ, và quán xuyến việc nhà. Suy cho cùng, ông bà ta có lý khi đề cao bốn phẩm chất "công, dung, ngôn, hạnh" của người phụ nữ.
Đó không phải là rào cản, tôi nghĩ đó là quyền năng. Quyền năng của sự dịu dàng, khi người phụ nữ khoác lên chiếc tạp dề xinh xắn, sau khi treo chiếc vest công sở lên mắc áo.