Chào mừng bạn đến với CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HỘ LAO ĐỘNG VIỆT

Phân bò 'cứu đói' (ST)

Người đăng: Đào Mạnh Linh | 20/06/2016

Tôi có mặt tại một ngôi làng nhỏ ở Chư Sê, Gia Lai giữa những ngày nắng hạn. Trước cửa căn chòi gỗ bé xíu và cáu bẩn của Ksor Huỳnh là nửa bao phân bò khô.

Từ chiều qua đến trưa nay, Ksor Huỳnh lượm được bấy nhiêu phân bò, nếu đầy bao Ksor Huỳnh sẽ bán cho đại lý với giá 40 nghìn đồng. Ngoài tiền bán phân bò, Huỳnh chỉ còn biết ăn gạo cứu đói. Trong chòi, chồng của Ksor Huỳnh đang ru cậu con nhỏ ngủ. Cạnh bên là cô con gái lẫm chẫm chơi tha thẩn bên hai can nước sinh hoạt vừa lấy về từ cái hồ dã chiến. Nước do bộ đội của huyện chở về làng. Bộ đội dùng xe cạp đất cạp cái hố sâu. Hố được lót vải bạt, xe của bộ đội chở nước từ đập thủy lợi dưới chân đèo Chư Sê về đổ vào. Nước vừa để tưới tiêu vừa để sinh hoạt, màu nhờ nhờ. Một xe chở được 3 bồn, 6 nghìn lít, loáng cái hết ngay. Cây tiêu của vùng H'Bông khát nước chết dần mòn.

Cơn mưa cuối cùng mà làng K'Tê cũng như toàn xã H'Bông đón nhận là vào ngày 16/10/2015, mưa rây rây không đủ ướt áo. Ông chủ tịch xã H'Bông nói với tôi, "Không thể tin được cả năm 2015 địa phương chúng tôi chỉ có 4 cơn mưa". Trong một vườn tiêu, căn lều trông vườn bỏ hoang mấy tháng nay, mấy trăm gốc tiêu chết khô giòn. Rải rác trong vườn tiêu là những cái giếng khoan bỏ dở vì không tìm thấy nguồn nước. Đến nương của trưởng thôn Siu Loan cũng không còn gì cả, trưởng thôn lên nương chỉ để gom những cành cây cháy dở mang về. Mấy tháng trước, trưởng thôn thu hoạch củ mì bán với giá hơn 2 nghìn một kg, lỗ nặng. Vài người trong làng hùn tiền lại, tìm vào tận sâu trong khu vực gần suối. Họ đào ao, khoan giếng với độ sâu cả trăm mét mới có nước. Nước hút lên đổ vào ao, từ ao theo đường ống nhựa dài 2 km về tưới cho vườn tiêu. Mà cũng không đủ nước tưới cho toàn bộ, chỉ tưới tiêu con, tiêu già đành bỏ mặc. Một nghìn gốc tiêu nhà bà Hoa, bây giờ còn hơn 500 gốc. Chồng bà cùng bạn bè đã tốn cả trăm triệu tìm nước.

Đó là những khung cảnh bạn sẽ gặp ở xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Hạn hán nặng, con người và đồng ruộng đang chết mòn đi trong cơn khát. Từ trung tâm huyện Chư Sê về đến xã H'Bông, thi thoảng có màu xanh của những khu may mắn chưa tụt nước. Còn lại, là những cánh đồng lúa cháy, những quả đồi xác xơ, những dòng suối trơ đáy.

Người dân TP HCM vừa tổ chức một hoạt động quyên góp được một triệu mét khối nước cho đồng bào hạn, mặn. Đó là một cử chỉ đầy nghĩa tình. Ở khắp nơi trên vùng Tây Nguyên này, không chỉ đến năm nay, mà đã từ vài năm, là khung cảnh của những cánh đồng cháy khô vì thiếu nước. Nhưng trước thông tin về một triệu mét khối nước mà người dân TP HCM vừa quyên góp cho đồng bào, tôi trộm nghĩ nếu dự án đường ống nước sinh hoạt kéo từ Thị trấn Chư Sê về H'Bông được triển khai sớm hơn thì biết đâu, mọi thứ ở H'Bông sẽ trở nên mướt mát và lấp lánh, thay vì những nụ cười gắng gượng của Ksor Huỳnh. Những mét khối nước quyên góp cho Tây Nguyên, bây giờ cần kíp. Nhưng chúng sẽ hết rất nhanh, như những hồ chứa dã chiến mà bộ đội đang đào cho đồng bào. Ksor Huỳnh sẽ vẫn phải trông vào những bao phân bò ngày hạn, vào gạo cứu đói để sống. Và vấn đề của vùng hạn Tây Nguyên, thì vẫn còn đó. Trước mắt là cơ sở hạ tầng thuỷ lợi. Sau là bài toán về giữ rừng, giữ nước. Một triệu mét khối nước ấy khẳng định rằng cộng đồng vẫn rất quan tâm đến những vấn đề đồng bào đang đối mặt. Và cộng đồng sẽ còn cần huy động sức mạnh của mình, cho những điều cốt lõi hơn nữa.

Tây Nguyên đang chờ đợi, nhưng không chỉ là chờ đợi nước, mà chờ đợi cách làm sao để có nước. Trong căn lán thấp tè, Ksor Huỳnh trệu trạo nhai những hạt cơm cứu đói, bên bao phân bò chờ người trả giá.

icon icon
icon
mail