Sự im lặng của bão
Tôi phụ trách một phần nội dung của kênh truyền hình duy nhất tại nước ta về thiên tai và thời tiết. Chưa có năm nào tôi khổ vì bão như năm nay.
Cơn bão số 3 ập vào. Ngay trước khi chúng tôi cử đoàn công tác đi thực tế, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương trong một bản tin cập nhật nhất, cho biết bão sẽ đổ bộ vào Nam Định. Hai kíp phóng viên được cử đi Nam Định và Ninh Bình để đón bão.
Chiều 18/8, một dải biển Bắc Bộ không thấy bão đâu. Tôi lại cho anh em chạy xuyên từ Ninh Bình tới Đồ Sơn đón gió. Nhưng vẫn không có bão. Thì ra nó vào Hà Nội. Lúc đó, tôi nhìn vào bản tin mà bên trung tâm gửi cho mình: Thiên tai cảnh báo cấp 3, gió ở các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định cấp 11, 12 giật trên cấp 12. Còn ở Thủ đô, cũng bản tin ấy, lại khẳng định khả năng có gió cấp 7, cấp 8. Thì cũng phải tin, phải nói theo các nhà khoa học. Chúng tôi làm truyền thông, đâu có phương tiện đo gió, đong mây, đoán bão...
Tôi ngồi trói chân trong văn phòng. Hà Nội mưa to, gió lớn, cây đổ và ngập cục bộ khắp nơi. Mức độ cảnh giác trước cơn bão số 3, việc chuẩn bị cho công tác chống bão đã được tăng cường rất nhiều sau hậu quả của bão số 1, nhưng dự báo lại sai địa điểm và thời gian bão gây ra gió mạnh, mưa nhiều.
Tôi cũng lo lắng. Bão to như vậy, liệu cái mái nhà vừa bắn tôn ở quê có làm sao không? Vì bão số 1 hồi tháng 7 năm nay, tôi đã chịu khổ vì công tác dự báo rồi. Bão số 1 được dự báo theo kịch bản hoàn toàn ngược lại. Các nhà khí tượng nói, bão thường lắm, cấp 8 cấp 9 gì đó thôi. Trước khi bay vào công tác trong TP HCM, tôi còn cẩn thận hỏi lại cậu tổ chức sản xuất: "Bão to không em?". Nếu to thì tôi ở lại. Câu ấy bảo "bình thường". Vậy là tôi đi. Hôm sau thì nghe tin, ngôi nhà ở quê, tuy không phải nhà cổ, nhưng rui mè, ngói lợp cũng khá chắc chắn, đã bị bão làm cho tan tành. Bão tan rồi, nói chuyện với người ở quê, họ bảo chưa từng chứng kiến một cơn bão nào to và lạ thế, gió quần thảo từ 11h đêm đến 1h sáng, rồi đến 1h30 nó quay lại. Hầu hết các ngôi nhà bị tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Tới 90% trong tổng số 16.000 cây bị gãy đổ nằm ở Nam Định quê tôi. Điện mất. Mưa. Ngôi nhà thờ phụng tổ tiên phơi trong nước...
Nhiều người đã đặt câu hỏi. Câu hỏi cũng đã được chúng tôi đem tới các chuyên gia. Rằng phải chăng việc dự báo của chúng ta đã lạc hậu. Có những phân tích khẳng định dự báo của Hải quân Mỹ và của Nhật về ba trận bão vừa qua đều cùng kết quả như chúng ta thông tin. Ấy vậy mà ở nơi dự báo có tác động lớn thì trên thực tế lại nhỏ; nơi có dự báo nhỏ thì thiệt hại vô cùng.
Sau bão số 1, tôi tranh thủ chạy về Nam Định lợp tôn lại cái mái nhà. Nhưng cả tuần sau, mái nhà vẫn chưa thể hoàn thành vì Nam Định mất điện, không cán được tôn. Cuối cùng phải gọi tôn về từ Hà Nội. Nhà lợp xong, có chỗ ra vào, cũng thấy bớt phần áy náy... nhưng khi ra tới ngõ, tới cánh đồng, nhìn gốc cây cổ thụ xác xơ vì bão quật, những vườn chuối tả tơi, tướp lá... tôi lại cảm thấy ngại ngùng. Dù sao tôi cũng là một biên tập viên của kênh truyền hình chuyên biệt về thiên tai, hiểm họa, tức là chịu trách nhiệm truyền tải thông tin về bão đến cho mọi nhà.
Trong tôi, có một cơn bão lặng im. Đó là sự lặng im về công tác dự báo, là sự lặng im về công tác khắc phục hậu quả. Đó là một sự lặng im mà hậu quả của nó lớn không kém gì chính những cơn bão. Và những cơn bão của tự nhiên, dù ít nhiều cũng có cách “phòng-chống” thì bão của sự im lặng, không biết đối phó cách nào.
Sau bão số 1, khi trách nhiệm được quy về công tác dự báo, Thủ tướng yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Chưa ai nhìn thấy sự rút kinh nghiệm này khi mà công tác dự báo bão số 3 lại tiếp tục sai. Và sau bão số 3, sự “rút kinh nghiệm sâu sắc” sẽ tiếp tục được thể hiện ra sao? Tôi và người dân, thực sự không muốn chứng kiến điều này.