Hà Nội không vội được đâu
Cuối tuần trước, tôi nhận được một cuốn nhật ký. Đó là nhật ký của một nhân vật cũ của tôi, chị từng dẫn đầu phong trào nâng cao nhận thức về ung thư tại Việt Nam.
Bây giờ thì chị đã đi xa vì chính căn bệnh quái ác ấy. Người nhà của chị gửi tôi những dòng nhật ký tìm thấy trong máy tính của chị.
Cuộc chiến đấu chống lại ung thư là một cuộc chiến dài và mệt mỏi. Người bạn cũ của tôi, thời còn sống, từng là một tấm gương của tinh thần lạc quan trước những thử thách. Nhưng điều sẽ ám ảnh tôi về những dòng nhật ký ấy, là ở trang đầu tiên, nó nói về một thử thách kỳ lạ của bệnh nhân ung thư: chuyện đi gửi xe.
Những người từng đến khám bệnh, điều trị hay thăm bệnh nhân ở Viện ung bướu Trung ương (viện K) đều đã quen thuộc với thử thách này. Khu vực đó có ba bệnh viện trung ương nằm sát cạnh nhau: Viện K, Viện sản TW, Việt Đức. Không gian đặc quánh. Các bãi xe nội bộ của các bệnh viện này thường xuyên quá tải, đặc biệt là K. Bạn sẽ rất dễ lâm vào cảnh đi vòng quanh khu Quán Sứ, Hai Bà Trưng và Phủ Doãn mười mấy phút đồng hồ chỉ để tìm một chỗ gửi xe, và nhận được những cái lắc đầu.
Tôi cũng từng lâm vào cảnh ấy. Tôi sang bên kia đường, gửi xe vào một quán cà phê, lấy một ly cà phê mang về 50 nghìn đồng rồi vào K thăm người thân. Cái vé gửi xe 50 nghìn. Nhưng đến khi đọc được những dòng nhật ký của một người bệnh, dù tếu táo (như chị luôn cố tỏ ra), về việc đến bệnh viện từ sáng sớm, đi vòng quanh nửa tiếng chỉ để tìm chỗ gửi xe, tôi thấy buồn.
Đó là một bệnh nhân ung thư - là một người bắt đầu đếm ngược cuộc đời, không chỉ bởi họ sắp hết thời gian mà họ cũng không còn sức lực. Một người đang đếm ngược cuộc đời đi vòng quanh ba con phố nửa tiếng để tìm chỗ gửi xe. Hà Nội đúng là không vội được đâu.
Bí thư thành ủy Hà Nội, lần thứ hai trong vòng hai tháng, tại một cuộc họp, nhấn mạnh việc phá bỏ cái ý thức “Hà Nội không vội được đâu”. Một câu thành ngữ hiện đại không biết từ bao giờ đã ám ảnh thủ đô. Giao thông không vội được; thủ tục hành chính không vội được; khám chữa bệnh tất nhiên cũng không vội được. Sắp chết cũng không vội được.
Ý của ông Hoàng Trung Hải khi nói trong các cuộc họp, là về việc phá bỏ đi một ý thức của cả các cán bộ và người dân. Đó là một khía cạnh quan trọng của câu chuyện.
Đôi khi việc “Hà Nội không vội được đâu” nằm trong ý thức của con người. Những cán bộ quan liêu, những người dân chấp nhận thỏa hiệp, khiến mọi việc đình trệ. Nhưng có phải lúc nào cái sự “không vội” ấy cũng là bởi ý thức con người? Một bệnh nhân đi vào K thăm khám có vội không? Chỉ tiếc là ba cái bệnh viện TW nằm cạnh nhau không cho phép ai vội cả.
Đôi khi sự “không vội” đến từ trở lực của những điều vĩ mô. Hệ thống làm cho người ta muốn nhanh cũng không nhanh được. Ví dụ như chuyện giao thông. Người dân đi qua các trục đường chính của Hà Nội như Cầu Giấy, Lê Văn Lương hay Nguyễn Trãi không chủ động bò ra đường. Chẳng qua là quy hoạch khiến mấy con phố này luôn quá tải và đại công trường đường sắt trên cao thì vẫn đang chậm tiến độ. Hoặc thủ tục hành chính, bao nhiêu phần “chậm” đến từ quan liêu cửa quyền và bao nhiêu đến từ chính "rừng" thủ tục giấy tờ theo quy định?
"Hà Nội không vội được đâu", bao nhiêu phần là bởi ý thức của bản thân những con người và bao nhiêu là bởi khái niệm “Hà Nội” đã được thiết kế chưa chuẩn cho những người đi nhanh?
Câu hỏi này, một câu hỏi về vĩ mô, lại không thể trông chờ vào sự tự trả lời của từng người dân. Những đám tắc đường ở Cầu Giấy và Lê Văn Lương vẫn sẽ tồn tại thường trực, như một lẽ tất yếu. Bệnh nhân vào viện K, vào phụ sản (có khi còn vội hơn cả vào K) vẫn sẽ đi tìm chỗ gửi xe. Và ta chỉ còn biết hy vọng rằng những người đang “không vội” ấy còn nhiều thời gian sống để chờ đợi.