Cái giá mà Abu Khaled phải trả cho quyết định rời bỏ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo là hiểm nguy rình rập và mạng sống có thể bị tước đi bất cứ lúc nào.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo diễu hành trên phố. Ảnh: Reuters
Phải mất khá lâu phóng viên Michael Weiss từ Daily Beast mới có thể thuyết phục Abu Khaled, từng là một phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), tiết lộ câu chuyện của mình. Sau hàng tuần trao đổi trên Skype và WhatsApp, Weiss cũng phác thảo được đôi nét cơ bản về tiểu sử của Khaled.
Ông từng thuộc "ban an ninh" của Nhà nước Hồi giáo (IS), nhận nhiệm vụ huấn luyện chiến binh jihad và các tay súng nước ngoài. Nhưng nay, theo lời Khaled, vì rời bỏ tổ chức nên ông bị săn đuổi. Dù vậy, Khaled không muốn trốn chạy khỏi Syria vì như thế ông sẽ phải xa vợ và bỏ lại căn hộ vừa mua ở Aleppo. Điều này khiến việc tiếp cận trực tiếp Khaled gần như bất khả thi.
Nhưng thông qua những gì Khaled chia sẻ trong các cuộc trò chuyện trên mạng, Weiss tin rằng ông ta đúng là một thành viên của IS bởi Khaled hiểu rõ về cách mà tổ chức này vận hành, ai là người chịu trách nhiệm chính, phân chia công việc ra sao, quân số có bao nhiêu người. Khaled am hiểu tường tận về sự dã man đến mức bất thường trong các quy định mà những kẻ thuộc đội ngũ an ninh của IS tạo ra để theo dõi dân chúng sống tại vùng đất chúng cai trị hay để giám sát lẫn nhau. Khaled cũng lý giải được tại sao mà rất nhiều người vẫn tôn thờ IS, bất chấp những tội ác khủng khiếp mà nhóm này gây ra.
Khaled từng làm việc với hàng trăm chiến binh ngoại quốc của IS. Không ít người trong số này đã trở về quê hương để thực hiện những "sứ mệnh" mà tổ chức giao phó, bao gồm cả việc làm gián điệp ngay trong lòng những đất nước mà IS cho là kẻ thù.
Đối với một tay súng đào tẩu khỏi tổ chức như Khaled, hiểm nguy luôn rình rập. Điều này lý giải vì sao Khaled không muốn di chuyển cả quãng đường dài để đến Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt trực tiếp với Weiss theo lời đề nghị đưa ra trước đó.
Như lời Khaled kể, IS có khả năng lần theo ông đến cả "vùng đất của những kẻ vô đạo" và giết chết ông ta ngay tại đó. Thực tế, đã có hai nhà hoạt động từ Raqqa, trung tâm đầu não của IS ở Syria, bị các tay súng cực đoan hành quyết chặt đầu tại thành phố Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi cuối tháng trước.
"Không thể cứ thế mà rời khỏi đất của IS", Khaled nói. Điều này càng khó khăn hơn đối với ông bởi hầu hết những khu vực biên giới hiện đều bị kiểm soát bởi các tay súng mà Khaled từng huấn luyện. "Tất cả bọn họ đều biết mặt tôi".
"Tôi không thể đi đâu cả", Khaled nhiều lần nhấn mạnh. "Tôi giờ là một kafir rồi", ông nói, sử dụng một từ mà IS dùng để chỉ những kẻ phản bội lại cái gọi là đức tin của Nhà nước Hồi giáo. "Tôi từng là người Hồi giáo và nay là một kafir. Tôi không thể quay đầu lại nữa. Cái giá phải trả chính là mạng sống".
Dù Khaled quả quyết sẽ chết ở Syria nhưng bằng cách nào đó Weiss cuối cùng cũng thuyết phục được ông tới gặp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vay mượn số tiền khoảng 1.000 USD, Khaled trải qua hành trình hơn 1.200 km đi từ Aleppo tới Istanbul bằng xe hơi và xe buýt để hội ngộ Weiss.
Tẩy não
"Cả cuộc đời tôi là người Hồi giáo, nhưng giờ đây tôi không còn tin vào Sharia hay bất cứ tôn giáo nào khác nữa", Khaled cho biết. "Một ngày nọ, tôi nhìn khuôn mặt mình trong gương với bộ râu rậm. Tôi thậm chí còn không nhận ra mình. Có ai đó trong đầu tôi những lại không phải tôi".
Khaled là một người đàn ông trung niên, có học thức, biết ngoại ngữ và có kinh nghiệm huấn luyện quân đội. Những đặc điểm này khiến các lãnh đạo IS đánh giá cao giá trị của ông. Khaled nay đã cạo sạch bộ râu rậm mà ông bị ép để, làm lộ ra vẻ ủ dột, khắc khổ. Trông ông hốc hác và như vừa bị ai đó đánh đập.
Khaled tham gia IS ngày 19/10 năm ngoái, một tháng sau khi liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu mở rộng chiến dịch không kích sang Raqqa. Khaled khi đó thấy có nghĩa vụ phải đứng vào hàng ngũ IS bởi ông tin rằng Mỹ, cũng giống như Iran hay Nga, đang lên kế hoạch để củng cố chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Khaled chống lại.
Sự tò mò cũng là động lực thôi thúc Khaled. "Tôi thực chất coi đó như một cuộc phiêu lưu", ông nói. "Tôi muốn xem loại người nào ở đấy. Thành thực mà nói, tôi không hối tiếc. Giờ chúng là kẻ thù của tôi và tôi hiểu rất rõ kẻ thù của mình".
Sau khi rời IS, Khaled đang tập trung xây dựng một tiểu đoàn để chống lại chính những đồng đội trước kia.
Theo Khaled, những thủ tục để đưa ông vào hàng ngũ của IS được tổ chức tương đối chặt chẽ, kỹ lưỡng. Ông ban đầu tiếp cận một trạm kiểm soát nằm trong tay IS ở thị trấn Tal Abyad, gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng hỏi tôi 'Ông từ đâu đến'. Tôi trả lời 'Raqqa'. Chúng hỏi tôi vì sao. Tôi trả lời vì muốn gia nhập IS. Rồi chúng kiểm tra hành lý của tôi".
Từ Raqqa, Khaled đến "Đại sứ quán Homs", tòa nhà hành chính của IS, nơi mọi người Syria muốn gia nhập tổ chức đến để nộp đơn. Ông ở hai ngày tại đây sau đó được đưa đến "Ban Quản lý Biên giới".
"Chúng coi tôi là người nhập cư bởi tôi sống bên ngoài Nhà nước Hồi giáo", Khaled nói. Vì thế, ông phải được "nhập tịch" trước rồi phải vượt qua cuộc phỏng vấn do một người Iraq tên Abu Jaber đưa ra.
"Vì sao ông muốn trở thành một chiến binh IS", Jaber hỏi. Khaled trả lời cho có lệ điều gì đó về cuộc chiến giữa người thập tự chinh và những kẻ tử vì đạo. Lời đối đáp của Khaled vừa đủ giúp ông đỗ bài kiểm tra nhỏ của Jaber.
Giai đoạn tiếp theo là tẩy não. "Tôi tới tòa án Sharia trong khoảng hai tuần để học. Chúng dạy người ta cách căm ghét người khác", rằng những người không theo đạo Hồi phải chết bởi họ là kẻ thù của cộng đồng Hồi giáo, Khaled cười nói. "Đó không khác gì tẩy não".
Các giáo sĩ phụ trách việc tuyên truyền này đều là những thanh niên trẻ tuổi với kinh nghiệm sống ít ỏi và dường như không biết gì về thế giới xung quanh.
Trong những tuần đầu tiên, Khaled gặp rất nhiều người đến từ Đức, Hà Lan, Pháp, Venezuela, Trinidad, Mỹ và Nga. Tất cả đều mới gia nhập. Giữa một cộng đồng quốc tế mà hầu hết không ai có thể nói chuyện bằng tiếng Arab, Khaled, một người thông thạo ba thứ tiếng Anh, Pháp và Arab, nghiễm nhiên trở nên đặc biệt quý giá. Ông trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ.
Như một cách để cổ động, IS thường xuyên tổ chức các nghi lễ đốt hộ chiếu để những tay súng ngoại quốc hiểu rằng họ đã không còn đường trở về. Tuy nhiên, hành động này chỉ mang mục đích phô trương bởi đa phần những người mới đến đều tìm cách giữ lại hộ chiếu hoặc trước đó đã giao nộp cho "Ban Quản trị Nhân sự" của IS.
Trước khi cuộc chiến ở thị trấn chiến lược Kobani, Syria, diễn ra hồi năm ngoái, IS mang ánh hào quang của một tổ chức không thể bị khuất phục, khiến những kẻ ủng hộ trên khắp thế giới không ngừng kéo đến với khát khao được sống dưới lá cờ đen. Nhưng trong trận chiến kéo dài nhiều tháng này, lực lượng bán quân sự người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt từ 4.000 đến 5.000 tay súng cực đoan.
"Gấp đôi con số trên là những người bị thương hoặc không thể tiếp tục chiến đấu", Khaled cho hay. IS sau đó dùng họ làm bia đỡ đạn trên chiến trường. Tháng 9 năm ngoái, số lượng tay súng nước ngoài tham gia IS mỗi ngày lên tới 3.000 người, nhưng nay, con số này thậm chí còn không tới 60.
Sự suy giảm nghiêm trọng kể trên khiến chỉ huy cấp cao của IS phải điều chỉnh chiến lược sử dụng các chiến binh ngoại quốc.
"Điều quan trọng hơn cả là chúng đang tìm mọi cách để cài cắm chân rết trên phạm vi toàn cầu", Khaled nhấn mạnh. Các thủ lĩnh IS nay "yêu cầu thành viên ở yên tại đất nước của họ để thực hiện hành vi bạo lực, giết hại dân thường, đánh bom hay bất cứ điều gì trong khả năng".
Hiện trường bên ngoài một quán ăn bị tấn công ở Paris. Ảnh: AFP
Một số tay súng mà Khaled huấn luyện thực sự đã trở về nước, trong đó có hai người Pháp, khoảng 30 tuổi, mà ông không biết tên.
Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris, Pháp, xảy ra tối hôm 13/11, Weiss liên lạc lại với Khaled để dò hỏi thông tin. Khaled khá chắc chắn rằng một hoặc cả hai người Pháp mà ông từng nhắc tới có liên quan đến vụ việc.
Khaled cho hay ông đang chờ truyền thông công bố hình ảnh của các nghi phạm để kiểm chứng nhưng đồng ý miêu tả sơ qua về những người này. Đầu tiên là một người gốc Bắc Phi, có thể từ Algeria hay Morocco, với chiều cao và cân nặng trung bình. Người kia có quốc tịch Pháp, lùn, mắt xanh, tóc vàng, rất giống một người cải sang đạo Hồi, có vợ và một con trai 7 tuổi.
Khi được hỏi đã cảnh báo cho ai về hai người này chưa, Khaled trả lời rằng "Có" rồi không nói thêm bất kỳ điều gì khác.
Théo báo vnexpress