Chào mừng bạn đến với CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HỘ LAO ĐỘNG VIỆT

LỜI CON - LÒNG MẸ (ST)

Người đăng: Đào Mạnh Linh | 13/08/2016

Có một câu chuyện vui mà mình rất thích:

Một cô bé 6 tuổi đi cùng bố về nhà bà.

Nhà bà ở xa mà cô thì lại nôn nóng muốn đến nơi.

Biết vậy nên bố cô quy ước: Con phải hứa với bố là không được hỏi khi nào thì đến nơi nhé.
Cô bé gật đầu.

Và cô xem chừng ngồi yên suốt cả quãng đường.

Nhưng rồi, cô vẫn níu cổ bố và hỏi:

Bố ơi, liệu khi về đến nhà bà thì đã sinh nhật 7 tuổi của con chưa ạ?

Ôi mình yêu cô bé trong chuyện lắm í.

Trẻ em, bạn nào cũng thế. Cũng thích được nói chuyện, được hỏi, được sáng tạo ngôn ngữ theo cách của mình.

Nhưng nói thế nào để hiệu quả, để trẻ thích thú và thông qua đó phát triển ngôn ngữ, phát triển tư duy?

Đây là cách mà mình vẫn thường áp dụng với Nam:

Với những tình huống “cùng nhau”, mình hay:

Nói về những gì mình đang nhìn thấy.
Nói về những gì mình đang làm.
Nói về những gì mình và con sẽ cùng làm.

Ví dụ, khi cùng con đi dạo ngang qua một chậu hoa của nhà hàng xóm:

Ái chà có một bông hoa đang nở. Cạnh đó là con kiến nữa. Em đang nhìn theo con kiến đúng không? Giờ thì mẹ sẽ thử thổi nhè nhẹ xem hoa có đung đưa không nhé. Đấy đấy, hoa đang vẫy em đây này.

Và mình cũng thường xuyên hỏi con về:

- Những gì con thấy
- Những gì con làm
- Những gì con cảm nhận
- Những gì con thích
- Những gì đã xảy ra trước đây
- Những gì mà con nghĩ là sẽ xảy ra

Mình cũng tự đặt ra một số “nguyên tắc” trong việc đặt câu hỏi:

- Chú trọng những câu hỏi mà “chưa biết trước câu trả lời”. Ví dụ: Con nghĩ là con mèo sẽ làm gì nào? ( Những câu hỏi như: Con mèo màu gì? Cái bàn có mấy chân... là những câu hỏi “ đã biết câu trả lời”)

- Lưu tâm đến những câu hỏi mà câu trả lời cần sự diễn tả chứ không chỉ trả lời có/ không. Ví dụ: Giờ chơi hôm nay con chơi với bạn nào? Con chơi những trò chơi gì? ( Chứ không chỉ hỏi: Con chơi có vui không?)

- Chú trọng việc hình thành hội thoại nhờ đặt câu hỏi. Ví dụ, khi trả lời các câu hỏi sau là giữa hai mẹ con đã có một đoạn hội thoại: Con vẽ gì thế? À con vẽ tàu vũ trụ à? Con giải thích cho mẹ xem tại sao lại có chi tiết này? Con nghĩ tàu vũ trụ bay lên nhờ có bộ phận nào? Tàu vũ trụ của con có điểm gì đặc biệt không? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình để một con chó lên tàu vũ trụ này nhỉ?

- Chú trọng đến những câu hỏi kích thích sự sáng tạo, bắt đầu bằng cụm từ: Điều gì sẽ xảy ra.../ Con nghĩ sao nếu.../ Hãy thử tưởng tượng xem.../

- Khuyến khích con trả lời chính những câu hỏi mà con đã hỏi mình, ví dụ: Đó là một câu hỏi thú vị. Con có thể nói cho mẹ biết câu trả lời của con được không?

Điều quan trọng nhất trong những cuộc trò chuyện của bố mẹ và con cái, đó là luôn cho con thấy là bạn lắng nghe. Theo mình những cách thể hiện sự lắng nghe, đó là:

- Nhìn con một cách khích lệ và chăm chú. Mình thường hay nhìn vào mắt con, khẽ mỉm cười. Cũng có khi mình vừa làm vừa nói: Tuy mẹ không nhìn nhưng mẹ đang lắng nghe chăm chú đây, Nam cứ nói chuyện đi nhé.

- Tạo không gian yên tĩnh cho con mỗi lúc con nói chuyện. Mỗi “giờ nói chuyện” của hai mẹ con, mình thường tắt ti vi, cùng con ngồi đung đưa chân, thi thoảng nắm tay hoặc có những câu chuyện vui, hai mẹ con ôm nhau cười lăn lộn. Vui lắm í.

- Thi thoảng, hãy nhắc lại lời của con vừa kể để con biết là mẹ đang thực sự lắng nghe.

- Khi Nam còn nhỏ, mình còn thu âm lại những gì con nói, thi thoảng mình bật lại và cùng nhau bàn bạc về những điều con đã nói. Đây là cách tận dụng công nghệ để hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ cho con. Ví dụ, khi con kể về một con mèo con nhìn thấy ngoài ban công. Mình nghe lại và nói: Hôm đó em nói về con mèo to, màu trắng và có hai con mắt xanh lè phải không? Nó đi lại nhẹ nhàng như vũ công ấy em nhỉ. Không biết giờ này con mèo đang làm gì? Nó có biết mẹ và em đang nói chuyện về nó không nhỉ?

Mình tin là những đứa trẻ được trò chuyện nhiều với bố mẹ theo cách mà chúng mong muốn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Khởi nguồn từ tình bạn bao giờ cũng là trò chuyện “hợp” nhau, và tình bạn giữa bố mẹ với con cái cũng không nằm ngoài quy luật đó.

“Có vàng vàng chẳng biết phô/ Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe”.

Mình tin các bạn là bà mẹ “giàu có”.

( Cảm ơn "nhiếp ảnh gia" bụng bự vì bức ảnh với nhan đề: Không lời :)))) )

icon icon
icon
mail