Những năm này, chuyện các nghi thức trong lễ hội xuân được tranh cãi nhiều. Đầu tiên là lễ chém lợn làng Ném Thượng, sau đến các nghi thức cướp lộc ở nhiều hội tạo thành những đám đông giẫm đạp mà nhiều người cho rằng bạo lực. Chuyện bỏ những nghi thức này đi được nhấc lên đặt xuống.
Tôi ít khi đi lễ hội, vì sợ đám đông. Nhưng năm ngoái có người bạn thân ở làng Chèm tha thiết mời về dự hội làng anh. Tôi đành đi. Đến nơi tôi mới bất ngờ.
Hội đình Chèm - ngôi đình cổ nhất Việt Nam - là một lễ hội rất ý nghĩa. Nó chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục phút đi xe, nhưng tôi chưa bao giờ biết đến. Đình thờ Lý Ông Trọng, người được coi là nhà ngoại giao đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là tướng tài của An Dương Vương nhưng được Tần Vương phương Bắc mến mộ, nên sang Tần làm tướng để giữ hòa khí hai nước.
Điều làm tôi bất ngờ nhất ở lễ hội đình Chèm, là tính khoa học của nó. Dân làng Chèm đã tự mời các chuyên gia Hán Nôm giỏi về, nghiên cứu khắp các sử liệu để tạo ra một tuyển tập về Lý Ông Trọng, về hội đình Chèm, về các văn bia và Hán tự trong đình. Chi phí làm nghiên cứu được cộng đồng quyên góp. Tôi được tặng quyển sách rất dày ấy, bây giờ vẫn giữ.
Những lễ hội nước ta, sau nhiều biến động của lịch sử, một phần lớn được phục dựng gần đây. Những nghi thức có thể không còn chuẩn xác. Nhưng khi tôi cầm quyển sách về Lý Ông Trọng trên tay, tôi tin rằng những nghi thức lễ bái chỉ là cái vỏ. Cái cốt lõi vẫn là việc người ta biết rằng tâm thức mình đang hướng tới điều gì. Ở lễ hội đình Chèm, tôi biết rất rõ. Là một người anh hùng, và những người lính đã hy sinh vì hòa bình đất nước.
Các lễ hội truyền thống có thể biến thiên để phù hợp với thời đại. Nhưng cho dù lễ hội biến thiên thế nào, thì cuối cùng người ta vẫn phải biết cái tinh thần cốt lõi của lễ hội là gì, hay nôm na hơn, là chúng ta đang vái thứ gì. Khi đặt ra một điều chỉnh, ví dụ bỏ đi tục chém lợn, hay là bỏ đi tục cướp giỏ tre ở hội Gióng, vì có quan điểm cho rằng chúng bạo lực, thì ta cần biết nghi thức ấy liên quan đến tinh thần lễ hội thế nào, có ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi không.
Nhưng mà không, những cuộc luận chiến tôi đang thấy về lễ hội không khoa học như thế. Hoặc là thiếu những nghiên cứu văn hóa đầy đủ, hoặc là có nhưng không ai nhắc tới. Việc hội này hay hội kia có “phù hợp” hay không được phân tích cảm tính. Rất ít nơi làm được cái việc cầu kỳ như dân làng Chèm. Thật ra, nếu đã biết mình đang vái điều gì, thì điều chỉnh hay không điều chỉnh các nghi thức rất dễ, vì chúng là chuyện phụ.
Người dân đến hội, thiếu đi những chỉ dẫn nền về văn hóa, cũng trở nên bản năng hơn. Chạm được vào lộc là may mắn, dùng tiền chấm máu con lợn là may mắn, cướp được cái gì về nhà, cho dù là vật dụng nhỏ nhất của lễ, cũng hên - những thứ cảm tính như thế được lan truyền và tạo ra một đám đông nhiều khi hung hãn. Khi khoa học không thể lên tiếng, chỉ còn chỗ cho bản năng.
Tôi nhớ quê tôi, Hải Phòng, có đền thờ Mạc Đăng Dung. Trên ban thờ có một thanh đao đã rỉ mòn được địa phương khẳng định là đao của Mạc Thái Tổ xung trận. Tôi đem nỗi hoài nghi về một thanh đao từ thế kỷ 16, mà lại biết chính xác của ai cầm, đi hỏi một nhà khảo cổ hàng đầu. Tôi nhận cái lắc đầu ngao ngán. Ông bảo chuyện này giới khảo cổ lên tiếng mãi rồi, chẳng buồn nói nữa.
Tất nhiên, khi tôi đến đền thờ Mạc Thái Tổ, tôi hiểu rằng tâm thức mình đang hướng tới điều gì. Một triều đại ngắn ngủi nhưng nổi tiếng vì sự nhún nhường khéo léo tránh cho nước ta được nạn binh đao với phương Bắc. Tôi vái thanh đao, là vái tinh thần ấy, là đao Mạc Đăng Dung cầm hay không, không thực sự quan trọng.
Nhưng tôi sợ nhiều người không biết. Tôi sợ người ta vái thanh đao như một thứ đồ cúng huyền hoặc với sức mạnh siêu nhiên từ một thế kỷ trước. Tôi muốn mọi thứ khoa học hơn, dù là chuyện tâm linh.