Khi tôi chuẩn bị xây dựng gia đình, theo quy định nơi công tác, cơ quan phải đi xác minh lý lịch ba đời nhà vợ tôi.
Bộ phận tổ chức của đơn vị cử người đi nhiều tỉnh thành hoàn thiện hồ sơ, ròng rã cả tháng trời. Khi xác minh về một người bác vợ, tôi nhận được tin sét đánh: "Bác từng làm đơn xin ra khỏi Đảng".
Bác vợ tôi vốn là một quân nhân, phục vụ trong quân ngũ cho tới lúc nghỉ hưu. Khi quá trình xác minh diễn ra, ông đã mất. Thế mà vì một quyết định cách đó hàng chục năm của ông, hôn nhân của tôi tưởng đã phải hoãn lại. May thay, đơn vị tìm được hai nhân chứng cùng thời, xác nhận bác xin ra khỏi Đảng năm 1991, chỉ vì suy nghĩ nhất thời trước sự sụp đổ của Liên xô chứ không có vấn đề tư tưởng gì khác.
Tôi sau đó vẫn được lấy vợ. Nhưng tôi biết còn có nhiều người không được may mắn như thế, phải chấp nhận sống ngoài giá thú, sinh con có cháu với người mình yêu và chờ đến khi nghỉ hưu, tóc đã bạc trắng mới lặng lẽ ra phường đăng ký kết hôn hay hợp thức giấy tờ cho các con được mang họ bố.
Chủ nghĩa lý lịch từ tận những năm cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã gây ra nhiều chuyện đau lòng. Nhưng đến giờ nó vẫn đang ám ảnh không ít người. Mới đây, một thanh niên khi đi nộp hồ sơ bị nhà tuyển sinh đánh giá “lý lịch không tốt”, cho dù cha mẹ chưa từng có án tích. Đến khi gia đình cố tìm hiểu mới được trả lời rằng: do họ "đi khiếu kiện đất đai'. Tất nhiên là chẳng có văn bản nào quy định điều này và đây là một sự diễn giải quy định tuỳ tiện. Khi mà những lá đơn khiếu kiện của gia đình em vẫn đang được các cấp thụ lý làm rõ, thì việc quy kết “đi khiếu kiện đất đai là vết đen” rõ ràng là một sự ám ảnh nặng nề của chủ nghĩa lý lịch.
Câu chuyện này cũng giống chuyện của tôi năm xưa, cực kỳ mơ hồ và chẳng liên quan gì đến năng lực hay trách nhiệm của những người trực tiếp được xét đến. Nhưng nó vẫn có thể bẻ lái cuộc đời con người sang hướng khác.
Bao năm qua, đã có bao nhiêu người tài không có điều kiện được đi học, được cống hiến cho đất nước vì dù môn học nào cũng giỏi, riêng “môn Lý”- tức lý lịch là không đạt.
Chủ nghĩa lý lịch còn thể hiện theo chiều ngược lại: khi chúng ta ưu tiên cho một ai đó vì lý lịch của họ. Chuyện cộng điểm thi vì “con em trong ngành” và “con của người có công” cũng đã tạo ra ý kiến trái chiều nhiều năm qua.
Khi mà “chọn người tài chứ không chọn người nhà” là một chủ trương lớn, thì việc tuyển chọn kiểu này hàm chứa sự không công bằng. Lịch sử của chúng ta có những câu chuyện nhân văn như Vua Trần Nhân Tông từng cho đốt hết thư tịch, bằng chứng tố cáo những người theo giặc, tránh tình trạng truy bức, trả thù để yên lòng dân.
Hiến pháp nước ta, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, ngay trong dòng đầu tiên, công nhận: “Mọi người đều sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”. Nhưng năm nay hay năm sau, năm sau nữa, sẽ vẫn tiếp tục có những chuyện buồn lòng của những người trẻ phải chịu trách nhiệm vì những việc cha, ông họ đã làm từ lúc họ còn chưa ra đời.
Nếu chủ nghĩa lý lịch không được sửa đổi. Những trở ngại mà chủ nghĩa lý lịch gây ra, không chỉ đóng lại cánh cửa ước mơ của các em học sinh mà còn ngăn cơ quan công quyền có cơ hội tuyển dụng người tài. Và nếu vẫn còn một thứ chủ nghĩa đề cao lý lịch, soi kỹ để tìm từng “vết đen”, thì chính chủ nghĩa ấy, tâm lý ấy, sẽ đi soi lý lịch để tìm những “vết đỏ” kiểu "đồng chí này là con đồng chí nào". Và như thế, cái mệnh đề “chọn người tài chứ không chọn người nhà” còn lâu lắm mới vượt qua được chủ nghĩa lý lịch.